image

Nơi chia sẻ phương pháp làm đẹp và chăm sóc sức khỏe chủ động.

Chuyên cung cấp các sản phẩm an toàn, uy tín, hiệu quả từ Hoa Kỳ

Details

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

KINH NGUYỆT BÌNH THƯỜNG VÀ BẤT THƯỜNG, NHỮNG ĐIỀU CẦN VÀ NÊN LÀM??






Minh họa chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày

1- Kinh nguyệt là gì?

- Kinh nguyệt (KN) là hiện tượng chảy máu từ niêm mạc tử cung (lớp màng trong dạ con) ra ngoài âm đạo và lặp đi lặp lại hằng tháng (có tính chu kỳ) dưới sự điều khiển của các nội tiết tố (hormon) của tuyến yên và buồng trứng. Từ ngày đầu tiên chảy máu của kỳ KN tháng này đến ngày đầu tiên chảy máu của kỳ KN tiêp theo là một chu kỳ kinh nguyệt (CKKN). Ở Phụ nữ bình thường, CKKN xuất hiện từ tuổi dậy thì đến lúc mãn kinh.

- Quá trình hình thành KN có thể chia ra 3 giai đoạn:
+ Ngay từ ngày đầu ra máu KN, dưới tác động của nội tiết tố tuyến yên (là prolan A), một noãn bào nguyên thuỷ của buồng trứng xuất hiện và phát triển. Trong quá trình trưởng thành, noãn bào tiết ra nội tiết tố foliculin (nội tiết động dục nữ) làm cho niêm mạc tử cung tăng sinh các tổ chức đệm và các tuyến; các tuyến và niêm mạc tử cung to lên, dài và giãn ra. Đây là giai đoạn phát triển đến trưởng thành của noãn bào nguyên thuỷ (giai đoạn nang noãn).

+ Khi foliculin của noãn bào tiết ra tới mức tối đa thì foliculin ức chế tuyến yên không tiết ra prolan A nữa mà tiết ra prolan B làm noãn bào vỡ ra và giải phóng tiểu noãn.Đây là giai đoạn rụng trứng(giai đoạn phóng noãn).
+ Sau khi noãn bào vỡ, phần còn lại của noãn bào trong buồng trứng phát triển to và có mầu vàng gọi là hoàng thể. Hoàng thể tiết ra progesterone (nội tiết duy trì thai) làm cho niêm mạc tử cung dầy thêm lên, tạo điều kiện tốt cho thai làm tổ. Đó là giai đoạn hoàng thể.

Đến giai đoạn này có hai khả năng xẩy ra:

(1) Nếu tiểu noãn kết hợp được với tinh trùng (thụ thai) thì hoàng thể vẫn tiết ra progesterone và tồn tại đến tháng thứ tư của thời kỳ có thai.

(2) nếu không thụ thai thì hoàng thể còn tiết ra progesterone nhưng hoàng thể thoái hoá dần và đến cuối CKKN lượng progesterone trong máu giảm hẳn làm cho các mạch máu của niêm mạc tử cung co lại, các lớp nông của niêm mạc tử cung bong ra, máu và các mảnh vụn tế bào rụng xuống và bị đẩy ra ngoài âm đạo, đó là sự hành kinh ; những ngày có kinh nguyệt gọi là ngày hành kinh.

Ngày bắt đầu hành kinh, dưới sự điều khiển của nội tiết tuyến yên, giai đoạn phát triển và trưởng thành của noãn bào nguyên thuỷ lại tiếp tục, bắt đầu giai đoạn mới của CKKN tiếp theo như đã nêu trên.

2- Thế nào là kinh nguyệt bình thường?

Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường của một người phụ nữ bình thường về mặt sức khoẻ. Nói KN bình thường hay không cần phải dựa vào CKKN, số ngày hành kinh, lượng kinh nguyệt, tính chất kinh và các biểu hiện toàn thân.
Kinh nguyệt của một người được coi là bình thường nếu có các biểu hiện sau đây:

(2.1)- Chu kỳ kinh nguyệt đều và ổn định

CKKN của mỗi phụ nữ có khác nhau (do giai đoạn trưởng thành của nang noãn ở mỗi người không giống nhau); đa số từ 26 đến 34 ngày, khoảng 30% phụ nữ có chu kỳ 28 ngày. Số ngày của mỗi tháng thường cũng khác nhau. Vì vậy, với một người phụ nữ không thể tháng nào cũng bắt đầu có kinh vào một ngày nhất định. CKKN đều và ổn định hàng tháng nghĩa là CKKN của bạn bao nhiêu ngày(tính 24 giờ) (thí dụ 26 hoặc 28 hoặc 32 ngày) thì tính từ ngày bắt đầu có kinh lần này đến ngày bắt đầu có kinh lần kế tiếp theo sẽ là khoảng bấy nhiêu ngày(tính 24 giờ) (26 hoặc 28 hoặc 32 ngày).

Nói cách khác CKKN đều và ổn định là số ngày của chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng liên tiếp đều giống nhau; chứ không phải tháng nào cũng bắt đầu có kinh vào những ngày giống nhau.

CKKN dưới 26 ngày là kinh mau(ngắn), quá 45 ngày là kinh thưa(d,

(2.2)- Số ngày hành kinh ổn định

Từ ngày bắt đầu ra máu đến ngày hết ra máu của một CKKN gọi là số ngày hành kinh. Số ngày hành kinh có thể từ 2 đến 7 ngày, trung bình từ 3-4 ngày. CKKN nào cũng hành kinh với số ngày như nhau trong khoảng 2-7 ngày đều là ổn định.

(2.3)- Lượng kinh ổn định

Mỗi kỳ hành kinh mất khoảng từ 80 đến 200ml máu, thường không quá 100 ml/ngày. Mức độ huyết sắc tố sau chu kỳ kinh ở mức bình thường khoảng 120 mg/l.

Đo lượng kinh bằng cách tính số khăn vệ sinh thay hằng ngày. Nếu số lượng băng vệ sinh cần thay trong các kỳ KN tương tự như nhau thì có thể coi là lượng kinh ổn định.

(2.4)- Tính chất máu kinh nguyệt bình thường

Máu kinh nguyệt mầu đỏ thẫm, loãng, hơi dính, có thể có cục nhỏ dính mầu trắng (phụ nữ đã sinh con có thể ra những cục máu nhỏ); mùi kinh hơi tanh như mùi máu.

(2.5)- Toàn thân không có dấu hiệu khác thường trong những ngày hành kinh

Vài ngày trước khi hành kinh có thể có những dấu hiệu thay đổi về tính tình và cơ thể với những mức độ khác nhau ở một số phụ nữ (thường gọi là hội chứng tiền KN) như rất dễ nhậy cảm, dễ kích động, khó tập trung tư tưởng, cáu giận, nhức đầu, buồn nôn, có cảm giác ngực lớn hơn, người nặng nề, chậm chạp và mệt mỏi hơn; da trở nên nhẵn, mịn, sáng bóng hơn.

Một số phụ nữ có biểu hiện đau nhẹ, đau cơn ở bụng dưới (thường xuất hiện vào 1-2 ngày đầu) do tử cung co bóp đẩy kinh nguyệt ra ngoài, cơ tử cung thiếu máu,.
Các dấu hiệu trên sẽ hết sau khi sạch kinh.

Kinh nguyệt không bình thường (rối loạn kinh nguyệt) thường có những dấu hiệu sau: CKKN không ổn định hoặc không đều; Số ngày hành kinh không ổn định; Máu kinh nguyệt mầu đỏ tươi, hoặc mầu cà phê, mầu vàng, mầu đen, máu đặc có cục máu lớn, có mùi hôi khác; lượng KN ra quá ít hoặc quá nhiều; đau bụng kinh dữ dội và kéo dài, hoặc có thêm một số dấu hiệu khác như sốt, sút cân…ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt.

Nguyên nhân rối loạn KN có thể do các sức ép tinh thần, lao động quá sức, rối loạn tiêu hoá, sút cân nhiều, nhiễm khuẩn, bệnh nội tiết, những bệnh thai sản, do dùng một số loại thuốc.

Điều lưu ý là, sau kỳ kinh đầu tiên ở nữ giới dậy thì (khoảng 13-16 tuổi) và ở phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh (45 – 55 tuổi) có thể có một số biểu hiện rối loạn kinh nguyệt như nói trên, đó là những dấu hiệu bình thường trong thời kỳ thay đổi trạng thái hoạt động sinh lý sinh dục.

3- Những điều cần làm và nên tránh trong thời gian có kinh:

- Ăn uống: Nên bổ sung thêm vào bữa ăn hàng ngày các nhóm thực phẩm nhiều vitamin nhóm B như cá, thịt bò, trứng, sữa, các loại rau và hoa quả, nhất là loại có mầu đỏ đậm như cà chua, cà rốt...

Không nên ăn các món ăn mặn, món rán, nhiều chất béo, món ăn lạnh, các đồ uống lạnh, có đá, có ga, có chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

- Lao động: Nên làm việc bình thường, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục và thể thao nhẹ nhàng, nên mát xa chân, mát xa nhẹ nhàng, thả lỏng cơ để tăng quá trình thải chất độc và giảm đau bụng kinh, ngủ 7-8 giờ /ngày. Không nên mang vác quá nặng, chạy nhẩy xa, lội hoặc ngâm người dưới nước (nếu bát buộc phải bơi lội nước cần phải mang khăn vệ sinh nút/tăm pông).

- Vệ sinh: Tắm rửa thường xuyên ở nơi kín gió bằng nước sạch (nếu đau bụng kinh có thể tắm bằng nước ấm hoặc chườm ấm ở bụng dưới), không ngâm người trong bồn ao.

Vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài đúng cách: Khi bắt đầu có kinh nên mang khăn vệ sinh đã được giặt sạch, phơi khô; khi cảm thấy khăn ẩm thì nên thay khăn mới. Số khăn cần thay mỗi ngày khác nhau (4-10 lần/ngày) tuỳ theo lượng kinh, thường nhiều nhất vào ngày thứ 2. Không dùng xà phòng (làm tăng môi trường kiềm), sữa tắm hoặc nước nóng để rửa bộ phận sinh dục ngoài mà dùng nước sôi để ấm hoặc nước vệ sinh phụ nữ có thành phần diệt vi khuẩn để rửa. Cắt ngắn móng tay và rửa sạch tay mỗi lần làm vệ sinh. Rửa bộ phận sinh dục ngoài và xịt hoặc giội nước sạch từ trước ra sau và thải nước bẩn ra ngoài; không ngồi rửa ngâm trong chậu nước hoặc rửa lại bằng nước vừa thải trong cùng một chậu; không xoa, lau từ sau ra trước, không cho tay vào trong âm đạo. Dùng khăn bông sạch, khô, thấm nhẹ nhàng. Băng vệ sinh cần phải giặt sạch bằng xà phòng và phơi ở nơi có ánh nắng, không gió bụi. Nếu mua khăn vệ sinh đóng gói sẵn nên chọn sản phẩm của những nhà sản xuất có uy tín, cần xem kỹ nhãn mác, không dùng khăn quá hạn sử dụng. Tránh dùng băng vệ sinh có mùi thơm, miếng lót, bột và thuốc xịt khử mùi, chúng có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

- Trong những ngày hành kinh không nên giao hợp vì rất dễ gây tổn thương, nhiễm khuẩn đường sinh dục.

- Nếu có những biểu hiện KN không bình thường ở mức độ nhẹ nhưng kéo dài 3-4 CKKN, hoặc có thêm các dấu hiệu bất thường khác như lượng KN ra quá nhiều hoặc kéo dài ngày, đau bụng nhiều và đau dữ dội, căng đau vú, đau một bên đầu, chảy máu cam, sốt, choáng váng, giảm cân, cơ thể mệt mỏi,..thì có thể có những nguyên nhân bệnh lý, cần đến ngay câc cơ sở y tế chuyên khoa để khám chữa kịp thời .

- Cần thận trọng khi phải làm các xét nghiệm, các thủ thuật, nhổ răng, tiêm và uống thuốc khi khám chữa bệnh, trừ trường hợp cấp thiết cần có sự hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc.

- Hiện tượng kinh nguyệt hàng tháng là dấu hiệu có giá trị báo hiệu tình trạng sức khoẻ của người phụ nữ từ lúc dậy thì đến tuổi mãn kinh. Vì vậy mỗi phụ nữ nên có một quyển lịch theo dõi thường xuyên KN hàng tháng, trong đó đánh dấu vào những ngày có hành kinh, ghi số khăn vệ sinh dùng từng ngày, mầu và mùi kinh, các dấu hiệu bất thường khác để có thể tự theo dõi, xác định được có KN hay không, CKKN bình thường hay bất thường (ngắn, dài, ít, nhiều; chẩy máu giữa kỳ, chẩy máu không theo quy luật, thống kinh, vô kinh…) và đi khám chữa kịp thời khi thấy có dấu hiệu KN không bình thường.
BS Đỗ Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét